
"Làm thế nào để hình ảnh của shop mình không bị đại trà, không bị loãng và có thể tạo điểm nhấn trong ánh nhìn đầu tiên của khách hàng, đồng thời tạo được nét riêng theo giá trị mà shop đang hướng tới "
Trích nguyên văn từ một chủ thương hiệu nọ hỏi mình. Đây không phải lần đầu mình nhận được câu hỏi này nên mình sẽ giải đáp nó ở bài viết này luôn.
Không muốn đại trà = muốn khác biệt
Muốn tạo điểm nhấn = thu hút ánh nhìn ngay từ đầu
Tạo nét riêng theo giá trị = show được câu chuyện brand
Thực tế thì cái mong muốn khác biệt với người khác là chuyện bình thường với bất cứ ai. Cái này mình bỏ qua luôn đỡ mất time.
Vậy nên câu hỏi sẽ là:
- Làm thế nào thu hút được ánh nhìn người khác ngay từ giây phút đầu?
- Làm thế nào để đưa được câu chuyện brand vào hình ảnh để tạo nét riêng?
TRẢ LỜI
Bước 1: Tập đọc hành vi của cá nhân
Đa phần các bạn không làm được hình ảnh cho thương hiệu, vì mọi người thường định nghĩa thương hiệu là một thứ rất khó nắm bắt và vô hình (Bạn cứ lên google thử thì biết). Đa phần đều là sứ mệnh, mục đích, .. đều là những thứ vô hình và khó hiểu cho các brand nhỏ lẻ như mình.
Với mình thì nói như này cho dễ hiểu, cứ coi thương hiệu là một con người có hình dáng và tính cách cụ thể, bạn sẽ thấy việc làm hình ảnh rất dễ dàng. Mình cũng đã ứng dụng điều này trong các lớp dạy cho các chủ brand và nó rất hiệu quả khi ai cũng hiểu và làm theo được, các bạn thử xem nhé
Để mình hỏi bạn nhé:
Người phụ nữ ăn mặc thế nào thì thu hút bạn?
Hoặc người đàn ông trông như thế nào thì bạn để ý?
Đổi một vài từ trong câu hỏi nhé:
Người phụ nữ ăn mặc thế nào thì thu hút KHÁCH HÀNG?
Hoặc người đàn ông trông như thế nào thì KHÁCH HÀNG để ý?
Nếu như bạn đang chưa làm được HATH (hình ảnh thương hiệu), có thể vì bạn chưa từng trả lời câu hỏi này. Mẹo của mình là bạn sẽ cần biết bản thân bạn hay bị thu hút bởi cái gì, khi đó mới đọc được hành vi của người khác.
Mình làm vài năm rồi nên cũng nắm khá rõ gu của khách hàng, đối với các bạn mới, để biết khách hàng thích gì thì nhanh nhất là đi hỏi người quen- những người sẽ là khách hàng của bạn trong tương lai. Kể câu chuyện của bạn ra và đưa các tấm ảnh miêu tả phong cách bạn đang làm, họ sẽ góp ý cho bạn một cách chân thật nhất
Mình cũng thường theo dõi cách bản thân bị dừng lại bởi "cái đẹp" khi lướt điện thoại, mình sẽ lưu chúng thành bộ sưu tập để dễ xem lại sau này (các nền tảng đều có tính năng lưu lại bài viết mà bạn yêu thích).
Gu của mình thường thay đổi cỡ 1 năm/ lần, không cố định, khi nào cảm giác update được màu sắc mới thì mình sẽ thử nghiệm xem. Sau đó mình sẽ dò xem khách hàng của mình liệu có thích cái màu mà mình thích hay không, nếu có thì tốt, nếu không thì mình vẫn làm hình ảnh theo xu hướng mà họ thích.
Mình làm việc này bằng cách đăng test các bài lên fanpage, có một thời điểm page sụt traffic thấy rõ vì hình ảnh màu không hợp với đám đông. Haha mình cũng phải test thôi, đó là cách duy nhất để phát triển lên mà
Ngắn gọn lại: Bạn cần dò được bản thân trước, sau đó đi dò sang khách hàng. Đó là mẹo để làm hình ảnh sát nhất với họ và khả năng cao là thu hút ánh nhìn đầu tiên nhất.
Bước 2: Tập đưa ngôn từ thành hình ảnh
Đây là cách dễ nhất để biến câu chuyện thương hiệu của bạn thành hình ảnh. Bạn hãy tập tưởng tượng một khung hình sẽ có không gian, đồ decor, con người như thế nào, sau đó chụp toàn bộ chúng lên là được.
Ví dụ câu chuyện: Hôm nay Việt đi ăn phở
Các yếu tố sẽ có = không gian quán phở, đĩa quất, đĩa quẩy, bát phở, Việt mặc quần đùi,..
Chụp toàn bộ chúng lên là tự tạo ra câu chuyện. Chụp đúng nghĩa là word by word, có gì thì chụp nấy. Tương tự với câu chuyện thương hiệu, bạn viết các yếu tố nào ở đó ra thì bạn chụp lên.
Ví dụ: Thương hiệu nguồn cảm hứng từ gỗ ABC và hoa XYZ
Chụp cây tạo ra gỗ, chụp hoa, chụp vùng không gian xung quanh nơi sinh sống của hai vật liệu, chụp những con chim, con sóc, chụp người thu hoạch, chụp quá trình tạo ra sản phẩm ở đây,...
Word by word. Có gì chụp nấy.
Đó là cách để biến câu chuyện bạn có thành hình ảnh.
Tuy vậy, chụp xong rồi có lên cao cấp không sẽ phụ thuộc vào ekip rất nhiều. Như mình từng chia sẻ, ekip có rất nhiều người: art director, stylist, photo, model, makeup, prop,... tuỳ theo buổi chụp có những cái gì.
Chi phí này sẽ cao hơn mức trung bình, đúng nghĩa là cái gì cũng có cái giá của nó, vì bạn không thể yêu cầu hình ảnh như Chà-Neo với budget buổi chụp hình là 2 triệu được.
Mình chưa biết một thương hiệu nào cao cấp mà họ lại không đầu tư chi phí vào hình ảnh cả. Mình cũng hay nói với mọi người rằng, làm hình ảnh cao cấp không dành cho tất cả đâu vì phụ thuộc vào nội tại brand rất nhiều.
Nỗ lực -> Kết quả
Nỗ lực: sự đầu tư hình ảnh ở level từ 1-10
Kết quả: sự cao cấp ở level từ 1-10
Việc làm hình ảnh branding và làm hình ảnh cao cấp lên thực tế không dành cho tất cả.
--------
( Bonus thêm cho bạn )
Có một bí mật rằng khi bạn đã có gì đó khác biệt, lại có câu chuyện brand riêng, rõ ràng có một cái giá vô hình được cộng thêm vào cái giá bán của bạn.
Giá bán = giá trị bên trong + giá trị bên ngoài
Giá trị bên trong = câu chuyện
Giá trị bên ngoài = vẻ ngoài
Và khi giá bán càng cao, giá trị bên trong phải đồng điệu với giá bán bên ngoài.
Túi Chanel, đồng hồ Rolex, xe Mercedes... sự thủ công và chất liệu là thứ không bàn cãi. Và đi đôi với chúng là hình ảnh hào nhoáng mà bất cứ ai cũng muốn hướng tới.
Các sản phẩm trong bảo tàng có giá trị cao vì tính lịch sử (giá trị bên trong), ngoài ra thì được bảo quản thường xuyên, được đặt trong không gian rộng lớn trong bảo tàng và sắp xếp một cách ngăn nắp (giá trị bên ngoài)
Giá trị bên trong và bên ngoài đều tương xứng. Điều này cũng đúng với các buổi triển lãm tranh, có những bức hình bán tới cả triệu đô, hay nhìn ở mặt đơn giản hơn là những chiếc ô tô sang, những chiếc túi hiệu..
Cái nào cũng có câu chuyện bên trong và hình ảnh bên ngoài ở mức tương đương. Giá càng cao thì nghiễm nhiên mọi thứ phải cao cấp.
Vậy làm thế nào để cao cấp hơn?
Lưu ý rằng, sự cao cấp & cái đẹp của người này không phải sự cao cấp & cái đẹp của người khác. Bạn cần hiểu thứ mà khách hàng muốn thấy là gì, và mức độ "cao cấp" theo định nghĩa của họ tới đâu. Nếu như bạn làm tốt bước 1 trong bài viết này, bạn sẽ có câu trả lời cho riêng mình.
Đây là một số tips cho mà các bạn có thể ứng dụng ngay cho thương hiệu của mình.
1. Dùng Negative Space: Khoảng trống trong những bức hình, đó là cách dễ nhất để tạo cảm giác Exclusive (duy nhất). Đối với các bạn mới, khi chụp hình hãy loại bỏ background lộn xộn phía sau, thế là đã trông gọn gàng hơn rồi.
2. Trong một buổi chụp hãy chụp nhiều chất liệu, đừng chỉ chụp mỗi sản phẩm. Chụp cả người, cả đồ decor, cả không gian quanh đấy. Điều này sẽ giúp thương hiệu của bạn trông có hồn hơn rất nhiều.
Còn lại việc hình ảnh cao cấp hay không phụ thuộc ở ekip rất nhiều. Không còn cách nào khác.
--
Ôi lại một bài viết thật dài. Mình đã phải viết lại bài này 3 lần để đem được nhiều giá trị cho bạn đọc nhất có thể. Rất mong những thông tin này sẽ giúp ích cho các bạn.
Nếu như bạn đang đọc tới dòng này, xin cảm ơn vì sự chú ý của bạn đã dành cho mình. Bạn cảm thấy thế nào về bài viết, hãy cho mình biết cảm nghĩ ở phần bình luận bên dưới với nhé, hoặc gửi tin nhắn riêng cho mình cũng okie.
Chúc các bạn một ngày thật an lành!
Việt Nguyễn.
P.S. Nếu bạn muốn cùng mình thảo luận mỗi ngày về cách hình ảnh hoạt động trong kinh doanh cũng như cách tạo dựng hình ảnh thương hiệu trở nên cao cấp, hãy tham gia nhóm của mình tại đây
Comments